Thu hút đầu tư vào Hậu Giang: Ký kết hợp tác hơn 94.500 tỉ đồng

Thu hút đầu tư vào Hậu Giang: Ký kết hợp tác hơn 94.500 tỉ đồng

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với tỉnh Hậu Giang với tổng hơn 94.500 tỉ đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hậu Giang

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang – Tiềm năng đầu tư và phát triển” sáng 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hậu Giang cần tập trung phát triển nền kinh tế xanh gắn với nâng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Nhiều lợi thế, tiềm năng

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hậu Giang có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy hải sản, nông nghiệp công nghệ cao. Dựa trên lợi thế này, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chế biến để giải quyết nguồn nguyên liệu dồi dào như lúa gạo, thủy sản, mía đường, dứa, trái cây…

Cùng với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, nằm ngay bên cạnh TP. Cần Thơ – Trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của vùng ĐBSCL, Hậu Giang còn có các khu, cụm công nghiệp đã được hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, thuận tiện giao thông thủy – bộ và có nguồn lao động dồi dào. Tại khu công nghiệp (KCN) tập trung sông Hậu, đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây đang có dịch vụ cảng và logistic tại chỗ với cầu cảng 20.000 DWT vừa được đưa vào sử dụng.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay, tỉnh có 2 KCN, 7 cụm công nghiệp tập trung. Tỉnh đã thu hút trên 70 dự án với tổng vốn đăng ký gần 70 ngàn tỷ đồng và trên 750 triệu USD. Trong đó, có 50 dự án đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp là trên 70% diện tích, giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn lao động.

Với mong muốn tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, tại hội nghị, lãnh đạo Hậu Giang đã đưa ra những cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên kêu gọi đầu vào cơ sở hạ tầng các KCN; đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản; đầu tư các nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản; đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án sử dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ và liên kết xây dựng các tuyến du lịch kết nối với các tỉnh thành trong cả nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hậu Giang có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào, sản lượng cây ăn quả lớn, lúa chất lượng cao, có thương hiệu. Lao động của tỉnh dồi dào, trẻ, cần cù. Hạ tầng giao thông được kết nối với các tỉnh, thành trong vùng thuận lợi. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang rất cầu thị, còn các doanh nghiệp đã hoạt động tại địa phương đều phát triển, các nhà đầu tư sẽ có niềm tin để tiếp tục đầu tư vào đây.

Tuy nhiên, để phát triển theo hướng bền vững và gắn với mở rộng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hậu Giang phải đặt hướng phát triển của mình trong quy hoạch tổng thể của cả vùng ĐBSCL.

Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hậu Giang phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, do chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Hậu Giang còn ở "top" trung bình, chưa đạt "top" cao trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước và vùng ĐBSCL. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp. "Các cấp chính quyền phải cầu thị, lắng nghe, và xử lý nhanh các vướng mắc cho nhà đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh nâng cao chất lượng phản hồi thông tin của doanh nghiệp. Những vấn đề doanh nghiệp và người dân nêu ra thì phải xử lý kịp thời, nhằm nâng cao tinh thần đồng thuận hợp tác giữa các bên liên quan.

Theo Thủ tướng, cho dù Hậu Giang đang có bước tiến phát triển khá, nhưng số lượng doanh nghiệp còn ít. Hiện, số doanh nghiệp của địa phương thấp hơn 3 lần so với mức bình quân cả nước. Để tăng dần số doanh nghiệp trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp, gắn các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với tỉnh Hậu Giang. Tổng giá trị nguồn vốn đầu tư các dự án trong biên bản ghi nhớ trên 94.500 tỉ đồng; đồng thời trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án, gồm  nhà máy sản xuất nước mắm, mở rộng nhà máy nước Aquaone Hậu Giang, mở rộng nhà máy bê tông Hamaco Hậu Giang và một số dự án xây dựng, kinh doanh khác với nguồn vốn gần 2.000 tỉ đồng .